Tranh cãi Như chưa hề có cuộc chia ly

Bài viết hoặc đoạn này có văn phong hay cách dùng từ không phù hợp với văn phong bách khoa. Xin giúp Wikipedia bằng cách sửa đổi lại cho phù hợp.

Nhầm người thân

Một số bài viết trên mạng năm 2013 nói về hai cuộc đoàn tụ trong chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly số 3 (tháng 2 năm 2008) và số 11 (tháng 10 năm 2008) có sai sót, cho rằng chương trình ngụy tạo quan hệ mẹ - con, hoặc biết là không đúng người vẫn cho đoàn tụ nhằm cố tình lừa dối khán giả. Hai trường hợp được phát hiện sai sót là:

  • Trường hợp anh Nguyễn Hữu Thành (quê ở Tân Quy Đông, Sa Đéc, Đồng Tháp) bị cho vào cô nhi viện từ sơ sinh, tìm mẹ có thể tên Lê Thị Út. Chương trình đã tìm được mẹ cho anh, nhưng ba năm sau, khi thử ADN thì cả hai không cùng huyết thống. Với thông tin mong manh từ cô nhi viện, đó là tờ ủy thác, ghi tên người mẹ là Lê Thị Út, sinh năm 1949, ngụ tại An Hữu, quận Giáo Đức, tỉnh Định Tường, Lê Văn Được là người làm chứng. Theo “giải trình” của ông Đỗ Minh Hoàng - Tổng Giám đốc Công ty Truyền thông Sài Gòn buổi sáng (TTSGBS) - đội trưởng đội tìm kiếm - đối tác sản xuất của chương trình:
Có 4 đội tìm kiếm suốt 4 tháng trời vẫn không tìm ra.
— Ông Đỗ Minh Hoàng

Cuối cùng, đội viên tìm kiếm Lý Trung Dũng nhận được thông tin từ công an xã Thiện Trung (Cái Bè, Tiền Giang), cho biết trong ấp có một gia đình phải cho con đi (vì bí mật công tác, không thể công khai được, người mẹ nhờ chị gái gửi con vào cô nhi viện), mượn tên người hàng xóm là Lê Thị Út, người mẹ lúc đó là "du kích". Theo công ty này nhận định thì thông tin khai trên tờ ủy thác là giả vì gia đình bà Lê Thị Út (người cho bà Nguyễn Thị Nguyệt mượn tên) khẳng định thời điểm, địa điểm cho con đi trùng khớp với hồ sơ tìm kiếm. Chính vì “bác” thông tin duy nhất mà anh Thành có được đó là tờ uỷ thác, chương trình đã tổ chức đoàn tụ cho anh Thành và bà Nguyễn Thị Nguyệt - người mẹ du kích - trong sự xúc động của ê kíp thực hiện, người trong cuộc và khán giả truyền hình. Chương trình cho rằng đây là “sự trùng hợp hiếm có”. Mặc dù đã nhận được mẹ, nhưng anh Thành vẫn có cảm giác xa lạ suốt gần ba năm, anh bí mật lấy tóc, móng tay của bà Nguyệt nhờ giám định gen. Kết quả giám định, anh Thành và bà Nguyệt không phải là mẹ con. Ông Đỗ Minh Hoàng cho hay, đầu năm 2010, Trung tâm ADN mới nhận hỗ trợ chương trình giám định, từ đó mới có việc giám định gene để xác định chính xác quan hệ huyết thống của những người tìm kiếm thân nhân.[12]

  • Trường hợp đại tá Đinh Hữu Tấn tìm con nuôi Võ Văn Phước mà ông nhận nuôi trong vòng 2-3 tháng trên đường truy kích vào tháng 4 năm 1975. Ông Minh Nguyễn (trú tại quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh) - người thân của đại tá Đinh Hữu Tấn (hiện ở Cẩm Thủy, Thanh Hóa) kể lại rằng: Đã gần 40 năm có lẻ, anh Tấn vẫn bứt rứt nhớ thương đứa con nuôi chừng 7 tuổi - tên Võ Văn Phước - là con của một người lính bên đối phương. Phước lạc mẹ trong dòng người di tản ở đường 7 (Phú Bổn, Gia Lai). Đại tá Tấn đem theo Phước cùng đơn vị, khi về đến Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh), vì yêu cầu công tác, anh đã giao Phước cho du kích Củ Chi. Anh xem chương trình, thấy rất xúc động nên đã nhờ chương trình, tìm cậu con nuôi Võ Văn Phước. Sự tình là, Phan Hiếu là người được TTSGBS giao đi tìm Võ Văn Phước. Hiếu báo cho biết đã tìm thấy, bây giờ Phước mang tên Phạm Văn Long ngụ tại ấp Phú Bưng (Phú Chanh, Tân Uyên, Bình Dương), nhưng trong Cty có người khẳng định Long không phải là Phước, Công ty Thông tin Sài Gòn Buổi sáng đã xác minh và đuổi việc Phan Hiếu, nhưng việc tổ chức cho Phạm Văn Long gặp đại tá Đinh Hữu Tấn vẫn diễn ra. Một nhân viên trong Công ty Thông tin Sài Gòn Buổi sáng thấy tình cảm của vị đại tá già dành cho con nuôi nên day dứt, không can tâm đã bỏ tiền túi đi tìm Phước. Mẹ đẻ của Phước là bà Võ Thị Dơi đang ở Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) xem chương trình này đã đến tìm Long, lúc này Long thú nhận không phải là Phước, dẫn bà Dơi đi gặp Phước. Hay chuyện “thật, giả”, đại tá Đinh Hữu Tấn cười lớn:
Lúc thì không có đứa con nào, bây giờ thì có tới hai đứa. Thôi thì mình nhận cả hai, càng đông con càng vui.
— Đại tá Đinh Hữu Tấn

Vị đại tá cũng nói rằng:

Dù sao tôi thấy những người làm chương trình rất tận tình. Họ cho tôi tiền đi lại, vào Sài Gòn được tiếp đón chu đáo, còn mong gì hơn thế. Trước đây mình đi kiếm, phải chi phí tốn kém mà không tìm ra. Còn Phạm Văn Long không phải là Võ Văn Phước là điều rất đáng tiếc...
— Đại tá Đinh Hữu Tấn

Cũng như anh Nguyễn Hữu Thành - dù biết mẹ Nguyệt không phải là mẹ đẻ, nhưng anh vẫn coi là mẹ.[12]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Như chưa hề có cuộc chia ly https://web.archive.org/web/20180315170740/https:/... https://www.baogiaothong.vn/dan-mang-phan-ung-khi-... https://dantri.com.vn/giai-tri/nhu-chua-he-co-cuoc... https://dantri.com.vn/xa-hoi/ekip-nhu-chua-he-co-c... https://dantri.com.vn/xem-an-choi/nhu-chua-he-co-c... https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/hon-2500-gia... https://www.laodong.vn/chuong-trinh-nhu-chua-he-co... https://plo.vn/post-512067.html https://thanhnien.vn/post-972403.html https://tuoitre.vn/news-20200706113617711.htm